Sự kiện nổi bật

Cùng mầm nhỏ Mitsuba làm bánh chưng, bánh tét đậm hương vị Tết ngày xưa

Thứ năm,16/01/2020
1963 Lượt xem

Điều tuyệt vời mà Tết mang lại cho mỗi nhà đó là niềm hạnh phúc khi tất cả thành viên trong gia đình được sum vầy, đoàn viên bên nhau. Tết luôn có sức hút đặc biệt là như thế đấy! Hương vị ngày Tết, hương vị của bữa cơm đoàn viên ấy không thể thiếu đi những món ăn truyền thống như: bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu,… Và, mỗi khi người ta bắt đầu phơi lá chuối, lá dong thì đó là lúc mọi người đang trong tâm thế chờ Tết sang rồi đấy!!!

Tiếp nối những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, giúp các mầm nhỏ thêm trân quý ngày Tết quê hương; sáng ngày 16/1/2020 tại Mitsuba đã diễn ra hoạt động “Cùng con làm bánh chưng, bánh tét đậm hương vị Tết ngày xưa”. Góp mặt trong hoạt động lần này, không chỉ sự đồng hành của bố mẹ các mầm nhỏ, mà còn có sự xuất hiện của người làm nên “bầu trời tuổi thơ” cho các con, qua lời ru, tiếng hát, qua câu chuyện kể mỗi ngày – không đâu khác đó là những người ông, người bà của các con. Bên cạnh đó, những chú bộ đội hải quân của Trạm thông tin 680 cũng đã có mặt để cùng các mầm nhỏ Mitsuba làm nên những chiếc bánh chưng, bánh tét nữa đấy.

Nắng xuân rọi chiếu sân trường Mitsuba, thêm chút âm thanh rộn ràng “mừng xuân sang”, sáng hôm nay Mitsuba lại được dịp vui hội, vui quên đi cả thời gian. Để có thể làm nên những chiếc bánh chưng, bánh tét; những ngày qua các cô giáo cùng các cô đầu bếp của Mitsuba đã phải dành thời gian rất nhiều cho công tác chuẩn bị nguyên vật liệu. Ngược xuôi các chợ lớn từ sáng sớm, để chọn được những chiếc lá chuối, lá dong còn tươi xanh, lá không quá to không quá nhỏ, rồi lại về chăm chút rửa từng lá một. Sau đó đem ra phơi nắng nhẹ một chút để lá được mềm, dai hơn như thế mới đảm bảo chất lượng và gói bánh sẽ dễ dàng, đẹp mắt hơn. Về nguyên liệu, các cô rất chú trọng trong việc chọn nếp, chọn đậu xanh – nếp phải là loại nếp thơm, dẻo, đậu xanh phải mới, đều hạt. Dành thời gian để rửa sạch, vút nếp, đậu xanh, rồi canh thời gian ngâm trong khoảng 12 tiếng đồng hồ, đảm bảo kịp cho hoạt động diễn ra vào sáng hôm nay đấy.

Sự háo hức, phấn khởi của các mầm nhỏ thêm chút tự tin khi có được sự đồng hành của ông bà, bố mẹ đã làm cho không khí nơi đây thêm sôi động, thêm náo nhiệt. Những tiếng cười nói rộn rã, những gương mặt trẻ thơ đang chăm chú nhìn những thao tác tay của ông bà, bố mẹ. Khung cảnh ấy, đã làm nên một “bức tranh Tết đầy bình dị nhưng lung linh nhất” vì đã chạm đến trái tim của bao người cùng trải nghiệm, cùng nhìn thấy trong buổi sáng hôm nay. Những khoảnh khắc như thế này, với Mitsuba rất là quý giá; bởi đây là cách tốt nhất để Mitsuba cùng người thân của các mầm nhỏ tạo ra được những “ký ức tươi đẹp”, những trái tim biết rung động và tuổi thơ “dữ dội” của các con.

Bằng những năm tháng tuổi đời, trải qua mấy mươi năm “gói bánh” bên gia đình – hôm nay, ký ức ấy một lần nữa được quay trở lại với các ông bà, bố mẹ, các chú bộ đội, các cô giáo Mitsuba. Ngày nay, hầu hết gia đình nào cũng chọn mua bánh chưng, bánh tét thay việc phải tự làm vì mất nhiều thời gian. Với hoạt động này Mitsuba tin rằng các bạn nhỏ cũng đã khắc trong tim mình về khoảnh khắc đầy hạnh phúc khi quây quần cùng ông bà, bố mẹ làm nên những chiếc bánh ngày Tết như thế này!

Những chiếc bánh chưng vuông vén, những đòn bánh tét thon dài được buộc chặt bằng lạc đầy khéo léo của những đôi bàn tay vốn đã có nhiều năm kinh nghiệm. Thành phẩm ấy chứa đựng cả “kỷ niệm”, cả yêu thương, sự quý trọng và đong đầy hương vị Tết xưa mà ông bà, bố mẹ, các chú bộ đội cùng các cô Mitsuba dành tặng cho các mầm nhỏ thân yêu.

Không dừng lại ở niềm vui các con được biết về cách gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết; một tấm vé trở về tuổi thơ nữa lại đưa các mầm nhỏ biết về “món đồ chơi xa xỉ ngày xưa” của ông bà, bố mẹ, cô chú đó chính là những “chiếc đồng hồ làm bằng lá”. Tưởi thơ ngày ấy vui lắm các con ạ! Chỉ cần có lá dừa là ông bà, bố mẹ, cô chú đã có thể sáng tạo ra những món đồ chơi như: đồng hồ, con cào cào, chong chóng,… Tận dụng những “lá chuối” còn dư, các ông bà, bố mẹ, cô chú đã cùng các mầm nhỏ Mitsuba “sống” lại với ký ức tuổi thơ bằng cách tạo ra những chiếc đồng hồ đeo tay dành tặng các bé.

Nhưng vẫn chưa hết đâu nhé, các bạn nhỏ lại được cùng ông bà, bố mẹ, cô chú tham gia vào tiết mục “nấu khoai lang”. Ngày xưa đó, nếu ở miền quê thì hình ảnh “nấu khoai”, “nướng khoai” thường xuyên xuất hiện ở hai nơi, đó chính là: gian bếp củi và ngoài đồng. Gian bếp củi khi ấy, chỉ cần cơm đang sôi là bà hoặc mẹ lại dúi vào lửa than đang cháy bùng một hai củ khoai; hoặc nấu cả một nồi khoai để ăn thay bữa. Còn ngoài đồng, tụi nhỏ chăn trâu, chăn bò sau khi đào được vài củ khoai còn sót lại sau vụ thu hoạch của người dân, liền nhóm lên tí lửa rơm, lấy vài thấy củi thông rồi dúi khoai vào đó, đợi chín và ăn cùng nhau. Ngày hôm nay, các con được những người đi trước – những người “ôm ký ức tuổi thơ” tái hiện lại bằng nồi khoai được luộc từ ngọn lửa của lá bàng khô chứ không phải bằng bếp ga, bếp điện. Mitsuba hi vọng rằng các mầm nhỏ sẽ cảm nhận được hương vị khoai hôm nay có chút mùi khói nhưng ngon ngọt hơn bao giờ hết! Và, các con hãy giữ thật kỹ, thật trân quý những “ký ức” ngày hôm nay – đó cũng là “tuổi thơ rực rỡ” của các con sau này đấy!

Bình luận facebook