Hành trình nuôi dạy con

Bao lâu để bé con có thể thích nghi với môi trường mới?

Thứ ba,23/08/2022
2703 Lượt xem

“...Chắc mình phải chuyển trường cho con thôi!!!... Có vẻ như bé con không thích ngôi trường mới này Bố à. Mẹ thấy con khóc nhiều và không chịu đi học… và bla bla các vấn đề”. Những ngày đầu tiên bé con đi học, dường như bố mẹ nào cũng chất chứa những suy nghĩ như thế phải không ạ? 

Phải thú nhận Mitsuba cũng từng nghe, từng gặp không ít những nỗi niềm tương tự. Và đặc biệt, đã được trải nghiệm từ chính cậu con trai của mình. Đó là những ngày mình chọn tìm nơi cho cậu con trai rèn luyện các bộ môn thể thao, các môn năng khiếu,... Với quan điểm tạo không gian để con thử sức với nhiều bộ môn, tìm kiếm được điều gì đó tạo nên sự “thích thú” trong con ở những bộ môn con trải nghiệm,... Mình cũng đặt tiêu chí là “nếu đi học mà con thích thú, muốn đến lớp học” thì mình sẽ đăng ký dài lâu; còn lại, nếu bé con chán nản, không vui vẻ, mình sẽ loại trừ bộ môn đó. 

1. Những câu chuyện về thời gian của sự thích nghi 

Dở hơi nhất là mình đặt giới hạn trong “tuần đầu tiên” để quyết định là con đăng ký học hay là thôi. Mình nhớ nhất cái hồi cho anh nhóc học môn bóng rổ. Ở tuần đầu là tuần làm quen với thầy và những bài khởi động. Nên các buổi ở lớp hầu hết là thầy trò nói chuyện, thầy chỉ dẫn những động tác khởi động cơ bản, cách tập trung và khởi động trước khi vô bài mới là như thế nào. Mà có lẽ động tác khởi động cơ bản giống với bài thể dục ở trường, nên anh nhóc nhà mình đâu mấy háo hức. 

Mỗi ngày đón anh ấy, câu đầu tiên khi anh ấy lên xe là mình hỏi ngay: “hôm nay con học vui chứ, có gì mới mẻ kể mẹ nghe nào!" Mình thì hứng khởi chờ đợi anh ấy “buôn chuyện” với mình. Còn ảnh thì dửng dưng “chẳng có gì vui cả mẹ à!”. Cứ thế lặp đi lặp lại trong 3 buổi đầu tiên, mình chợt nghĩ hay là con không thích bóng rổ nhỉ? Rồi mình nghĩ là trong buổi đón tới, mình sẽ đến sớm để trao đổi với thầy giáo xem thế nào. 

Mình đứng nép một góc, quan sát anh ấy học. Hôm đó, hình như đã bắt đầu vào bài mới là “làm quen với bóng”. Thế là các bạn được tập luyện cách giồng và giữ bóng trong sự kiểm soát của bàn tay,... Mình lặng lẽ nhìn những đứa trẻ đang ra sức tập trung và thể hiện cái sự mới mẻ vừa được học ấy. Và khi tan học, mình giả vờ như vừa mới đến. Lần này, vẻ mặt và sự vẫy chào mình của anh ấy thay đổi hẳn. Cậu ấy hớn hở chạy đến mình, mình cũng chưa kịp hỏi, cậu ấy đã í ới:

“Mẹ ơi mẹ! Hôm nay con học được cái này hay lắm. Mẹ nhìn nhé! Nhìn con này!”

Thế là, cậu ấy vừa nói vừa thực hiện lại động tác giồng và giữ quả bóng cho mình xem. Với nét mặt không thể “tự hào hơn” là con làm được đấy Mẹ nhé. 

Khi đó, mình mới vỡ lẽ ra, thì ra “sự thích nghi nào cũng cần một khoảng thời gian kiên trì”. Mình chợt nhớ đến có những nghiên cứu chỉ ra để hình thành nên thói quen nào đó chúng ta mất ít nhất “21 ngày” thực hiện chúng liên tục. 

2. Vậy “bao lâu để bé con thích nghi được môi trường mới, nơi học tập mới”? 

Có lẽ, có rất nhiều yếu tố để bố mẹ nói lời tạm biệt với ngôi trường mới chuyển đến cho bé con. Tuy nhiên, Mitsuba nghĩ rằng chúng ta nên kiên trì một tí, chậm chậm quan sát và ít nhất hãy cho bé con mình học tập, vui chơi tại ngôi trường mới ít nhất một tháng. Vì sao một tháng là cột mốc được Mitsuba đề xuất?

Điều thứ nhất, việc thay đổi môi trường, từ ở nhà được quấn quýt bên ông bà, bố mẹ mỗi ngày sang môi trường chỉ có các cô và các bạn mới. Sự lạ lẫm ban đầu, sự thiếu đi hình ảnh ông bà, bố mẹ sẽ tạo cho bé một chút trống trãi. Và việc bé con “quấy khóc” những ngày đầu là xuất phát từ việc “nhớ”. Nỗi nhớ kết hợp với sự lạ lẫm làm cho bé con chưa thể nào kịp để ý môi trường xung quanh, những cái mới, cái thú vị ở môi trường học được.

Điều thứ hai, bé con không chịu ăn, không chịu ngủ. Chế độ ăn uống và giờ giấc sinh hoạt ở nhà và tại trường có thể không giống nhau. Ở nhà có khi con ăn uống, vui chơi và ngủ nghỉ theo chế độ phù hợp với giờ giấc của ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, tại môi trường mới này con phải được làm quen và tạo nên một lịch trình sinh hoạt, học tập theo nhà trường. Mà trong những ngày đầu tiên, #Mitsuba tin chắc rằng con chưa thể thích nghi được. Đặc biệt là khẩu vị ăn uống của bé con cũng sẽ chưa quen với đồ ăn nấu tại trường. 

Sự làm quen với các cô giáo, bạn bè mới cũng cần có khoảng thời gian. Bố mẹ còn nhớ những ngày đi làm đầu tiên của mình? Cái khoảng thời gian một tháng đầu tiên, chúng ta đều luôn đấu tranh giữa việc “đi làm hay nghỉ để xin việc khác”. Vì cảm giác môi trường đồng nghiệp không thân thiện, công việc còn khá bỡ ngỡ, bla bla… Nhưng khi bắt nhịp được rồi, chúng ta lại trở nên yêu thích và dần quen thân với đồng nghiệp, môi trường mới đó. Bé con của mình ở độ tuổi lên 2, lên 3 rất nhạy cảm nên quá trình con thích nghi với môi trường mới cả gia đình và các cô giáo đều cần kiên trì, đồng cảm và chia sẻ với nhau. Có như thế, chúng ta mới cảm nhận được sự thay đổi, sự hòa hợp của bé con ở môi trường mới kỳ diệu như thế nào.

3. Vậy bố mẹ cần chuẩn bị gì cho bé con trước khi nhập học tại Trường mầm non Mitsuba sắp tới nào?

Hãy dành 2 tuần để tạo cho bé con một tâm lý vững vàng về việc mình sắp được đến một môi trường mới với nhiều điều thú vị. Bố mẹ hãy cùng nhau thực hiện các hoạt động sau:

  • Thông qua các trò chơi đóng vai nhân vật để bé con có những hiểu biết cơ bản về trường học. Bố mẹ cho mẹ trải nghiệm các nhân vật như: bé là giáo viên, bé là học sinh, bé là bố mẹ,... để cùng nhau khám phá một số hoạt động tại trường.
  • Cùng nhau xây dựng thời gian biểu, phù hợp với lịch sinh hoạt tại trường con sắp theo học. Dựa trên lịch trình sinh hoạt của trường, bố mẹ cùng bé con sắp xếp lại giờ sinh hoạt vui chơi, giờ ăn, giờ ngủ trưa và tối của bé con,... Như thế, khi đến lớp học mới con sẽ sớm bắt nhịp nhanh hơn đấy ạ.
  • Đưa bé con đến thăm quan trường và lớp học. Điều này #Mitsuba luôn khuyến khích bố mẹ khi bố mẹ tham khảo chương trình học và tuyển sinh tại nhà trường. Vì sự gặp gỡ thực tế là một điều tuyệt vời để kết nối bố mẹ, nhà trường và bé con. Qua giao tiếp, tham quan bé con sẽ có cảm giác thân quen và yên tâm hơn. Cũng như sẽ giúp bé con bớt căng thẳng trong ngày nhập học đầu tiên nữa. 

Mitsuba hy vọng rằng những chia sẻ tại bài viết này sẽ nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu hơn từ bố mẹ. Cảm ơn bố mẹ đã lựa chọn Mitsuba là nơi gửi gắm các thiên thần trong những năm tháng tuổi thơ. Mong rằng trong hành trình ấy, Mitsuba luôn đón nhận sự tin yên, đồng hành và ủng hộ từ bố mẹ. 

Bình luận facebook